Hòa “Xuân” – Một huyền thoại của Tennis phủi
Lấy sân tennis làm nhà
Cuộc tiếp xúc với Hòa “Xuân” khác hẳn với những lần tôi đã từng thực hiện với những nhân vật khác, kể cả khi chạm trán với Andy Murray trong làng VĐV Olympic tại Bắc Kinh hồi năm 2008. Không phải là hỏi và trả lời, mà có những giai thoại về anh mà người ta vẫn truyền tai nhau, nếu do chính anh kể vẫn tuyệt hơn cả.
Nhưng trước tiên phải đính chính, gọi cái tên Hòa “Xuân” có thể là phạm húy, nhưng nếu chỉ gọi anh bằng Hòa, tên chứng minh thư nhân dân của anh, sẽ chẳng mấy ai biết, khi cái tên ghép kia với cha anh đã là thương hiệu. Và sự thật rằng cha anh cũng chính là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Hòa. Thế nên xin được tiếp tục gọi anh bằng cái tên Hòa “Xuân” với sự tôn trọng nhất định.
“Mình cũng không biết ông cụ nhà mình có phải là hình mẫu của Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng hay không, vì cùng tên và cũng có nhiều chi tiết trong tiểu thuyết thấy giống. Nhưng ở cái thời ấy đâu có mấy người Việt chơi tennis đâu. Và ông cụ chính là người dạy tennis cho mình”.
“Ông cụ làm việc trong Sở thể dục thể thao Hà Nội (cũ), lại dạy tennis, nên cả nhà cũng ở luôn sân Khúc Hạo. 10 tuổi thì mình bắt đầu cầm vợt. Cầm rồi thì mê nên nhiều khi cũng chỉ quanh quẩn ở sân chứ chẳng đi đâu. Cái khu giờ là trụ sở của Hội thể thao người khuyết tật thì ngày trước là nhà tôi”.
“7 năm tập luyện, tôi bắt đầu đi đánh giải. Tôi nhớ đấy là năm 1980, năm đầu tiên tổ chức giải tennis quốc gia kể từ ngày đất nước thống nhất. Giải tổ chức ở Nha Trang, tôi vào chơi. Người ta cứ nhìn tôi như thể tôi ở trên trời rơi xuống, vì không hiểu nổi tại sao ngoài Bắc ngày ấy lại có một thằng cầm vợt gỗ chơi tennis được đến như thế”.
Và chơi tennis dưới tiếng mưa bom
Cha của ông trùm tennis phủi đất Hà thành có phải là hình mẫu của nhân vật Xuân “tóc đỏ” hay không thì phải… tìm hỏi cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhưng Hòa “Xuân” tự nhận mình là người có nhiều may mắn, từ cuộc chơi này và cũng để theo đuổi đam mê bất tận này.
“Khi tôi chơi tennis, tôi được mặc những món đồ hiệu mà ngày ấy tính ra mỗi thứ, từ bộ quần áo, đôi giày hay cây vợt đều bằng con xe máy. Có tiền cũng không mua nổi ở Hà Nội. May là các chuyên gia, các nhà ngoại giao nước ngoài hay chơi tennis nên mỗi khi về nước thì tôi lại nhờ họ xách tay cho vài thứ”.
“Nhưng may nhất phải là cha tôi, ông cụ đã bỏ ra cả chục năm theo từng bước chân của tôi, lo cho đủ thứ, đặc biệt là kinh tế, để sự nghiệp ngắn ngủi của tôi cũng có những cái để nhớ”.
“Có những lần đọ sức với những VĐV bán chuyên nước ngoài đến Việt Nam theo chương trình giao lưuthể thao thì tôi mới được cọ xát và học hỏi được những cái hay cái mới”.
“Và cũng phải có tiền thì tôi mới được vào Nam để thi đấu, khi mà mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng vì chỉ riêng chuyện di chuyển cũng mất cả tuần, rồi còn phải tự bỏ tiền ra để tập luyện”.
“Ai tôi cũng đánh, dĩ nhiên là có thắng có thua, nhưng hầu như trong Nam ai cũng ngạc nhiên vì xuất thân và cả những khả năng của tôi nữa”.
“Chỉ tiếc là tennis thời ấy chưa phát triển và cuối cùng thì tôi không có đủ điều kiện để theo đuổi chuyên nghiệp, dù Bjorn Borg hay Ivan Lendl đều là những thần tượng qua số sách báo ít ỏi mà tôi tìm hiểu.”.
“Nhưng may mắn nhất là dù chiến tranh, dù máy bay Mỹ ném bom Hà Nội thì ở cái khu Khúc Hạo tôi ở vẫn bình yên vô sự. Bom Mỹ chắc là tránh nơi ngoại giao cả năm 1972 chỉ có đúng 1 quả bom lạc chỗ Đại sứ quán Pháp, thế nên có nhiều lúc tôi cứ thản nhiên chơi tennis trong khi máy bay thì gầm rú trên đầu, và vẫn còn chơi tennis cho tới hôm nay”.
Ngưỡng mộ và đố kỵ
Tài năng và tiếng tăm của Hòa “Xuân” nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng không ít kẻ đố kị và những cái bẫy được giăng ra. Hoàng Thành Trung (hay được gọi là Trung “Vũng Tàu”) từng được giới tennis phủi ở Hải Phòng “cải trang” với cái tên là Tâm, “nó vừa từ Sài Gòn ra, là dân nhặt bóng” để gài Hòa “Xuân” trong một trận độ mà tuổi chênh lệch giữa 2 bên là gần 25 năm, và giữa một bên là nằm trong tốp 5 chuyên nghiệp của Việt Nam với một bên là trùm tennis phủi.
Bố tôi đưa bóng cho Vua Bảo Đại
Tôi còn nhớ ở cái Đại sứ quán Trung Quốc nằm ở phố bây giờ từng là nơi mà Vua Bảo Đại vẫn thường nghỉ ở đó mỗi lần ra Hà Nội. Ở đó cũng có sân tennis. Mà Vua Bảo Đại lại mê môn thể thao này. Môi lần Vua Bảo Đại ra, bố tôi thường là người đưa bóng cho ông.
Người cầm ghế chơi tennis
Với một tay vợt chuyên nghiệp thì bạn có thể hỏi anh ta đã giành bao nhiêu chức vô địch. Còn với một tay vợt phủi ở đẳng cấp cao thì không thể. Thước đo chuẩn mực cho những tay vợt dạng này là tầm ảnh hưởng, sự tôn trọng. Nếu là một ông thày dạy tennis, thì học trò sẽ là một tiêu chí. Và nếu là một người có chút máu casino, sẽ gồm cả những trận độ đi vào lịch sử.
Lịch sử tennis phủi Hà Nội ghi nhận ở lứa tuổi 40 trở lên thì Hòa “Xuân” là vô đối. Các diễn đàn có sức lan tỏa ghê gớm đã ghi nhận Hòa “Xuân” là một trong số ít của làng banh phủi đã chạm tới cảnh giới là chỉ cần cầm ghế gỗ chứ không cầm vợt mà vẫn có thể thắng được nhiều đối tượng nhất định.
Có ai đã nói và tôi đồng ý rằng chơi tennis bằng bất cứ dụng cụ gì không phải bằng vợt cũng đều là một sự thiếu tôn trọng với môn thể thao này. Nhưng, phải thừa nhận, đó là thứ tennis… rất Việt Nam, và đôi khi đó là cách để người ta phân đai đẳng. Với một chiếc ghế, mà vẫn giao bóng, volley, đoa ngon lành, thì phải cỡ Hòa “Xuân” mới làm nổi.
“Tôi không phải là người sáng tạo. Tennis Sài Gòn là xuất xứ của vô vàn những ý tưởng có một không hai. Nhưng có lẽ, tôi là người đầu tiên chơi tennis bằng ghế trước sự kinh ngạc của người châu Âu”.
“Cộng đồng người Việt ở Ba Lan ngày trước có đánh tiếng mời tôi sang giao lưu, với lời dặn: có đồ chơi gì hay thì cầm sang nhé”.
“Tôi chọn 2 cái ghế, cưa chân ngắn lại, bọc vào trong túi xách sang. Lúc cầm ghế đánh ở sân với mấy anh em, bọn Tây ở sân bên cạnh bỏ vợt, chạy sang xem hết. Họ ngạc nhiên lắm. Chơi xong, anh em bên đó xin mua lại đôi ghế ấy với giá 500 đô. Họ bảo, để trưng bày ở CLB”.
Nhưng Hòa “Xuân” cũng thú nhận, rằng “Cầm ghế cũng chỉ để chơi với người còn chưa sạch nước cản. Mà cũng vì chẳng còn cách chấp nào khác cả để cho vừa độ. Chấp game, chấp điểm, chấp dây đủ rồi mà vẫn không cân bằng thì đành phải chấp ghế”.
Và điều quan trọng, khi cầm ghế mà vẫn đủ cú quả từ thuận tay cho tới volley, tức là những động tác của anh đã như trong sách giáo khoa hay trên tivi rồi.
Vẻ đẹp từ sự căn bản
Quả thực, Hòa “Xuân”, một người học tennis cách nay đã gần 40 năm và thiếu cơ hội tiếp cận với tinh hoa thế giới, nhưng các động tác kỹ thuật lại rất chuẩn mực, mà nói như lớp VĐV trẻ của tennis Hà Nội thì “phải sau này khi đi du đấu và du học, được tập thầy Tây thì khi quay về mới thấy được cái hay cái đẹp của chú Hòa. Chú ấy đi trước bọn tôi hàng chục năm”.
Việc cầm vợt làm chất liệu bằng gỗ ngày trước (giờ cầm Wilson BLX) có thể ảnh hưởng tới kiểu cầm vợt hiện nay (vẫn là continental và có nhích lên eastern), nhưng Hòa “Xuân” lại có cách mở vợt gọn của người Mỹ trong cả cú thuận tay hay cú bung trái 1 tay, khả năng đánh bóng nhú (khi nó đang nảy lên), và đặc biệt là bộ chân di chuyển mềm mại với bước split step (xoạc đệm lấy đà) và cả tư thế chân mở (semi open) lấy chân phải làm trụ rất hiện đại.
“Cũng không được học cụ thể về cái đó đâu, cũng một phần là tự nhiên”, anh Hòa nói như thế. “Chắc không nói thêm nữa thì ai cũng biết, tôi không giữ mình đâu, chơi bời đủ thứ, may mà mình là thằng có tố chất, nên giờ mới vẫn còn thế này”.
Sinh năm 1963, 47 tuổi có lẻ vài tháng, Hòa “Xuân” vẫn như một cỗ máy, dạy bóng, chơi và tham gia đủ các giải phủi đỉnh cao của Hà Nội, với những cú bạt bóng sấm sét, cú smahs mất banh, và cả những bước di chuyển nhẹ nhàng cứu những đường bóng không tưởng. Hình như, gọi đó là chơi bóng bằng đầu cũng không sai.
Muốn đấu với Hoàng Thiên
Trong câu chuyện của anh với tôi bên sân Vạn Phúc (Hà Nội), Hòa “Xuân” bỗng thốt lên rằng nhiều lúc anh muốn đấu với Hoàng Thiên, nhưng không phải là một sự thách đấu.
Tôi có từng nói rằng “nếu Hoàng Thiên chấp 15, thì tôi sẽ đấu với cậu ấy”. Bắn tiếng thế thôi, chứ không chấp thì tôi cũng sẽ chơi. Mà chơi không phải để thắng thua, chỉ với mục đích cho thấy rằng tennis của chúng ta vẫn còn quá xa với thế giới, một khi một ông già gần 5 chục như tôi vẫn có thể đấu với niềm hy vọng số 1 này”.
Hóa ra, trong cái dáng vẻ của một tay chơi, một “hình thù” của tay vợt phong trào, nhiều khi phải có “độ” mới đấu, còn là một trong những người có thâm niên tennis bậc nhất Việt Nam hiện tại vẫn ấm ức với những tồn tại chưa lối thoát.
Thế nên, nếu có một lần nào đó, tình cờ gặp huyền thoại phủi của tennis đất Hà thành này, đừng nghĩ rằng anh ta chỉ có tennis phủi là… rất bụi. Phủi chính quy cũng là một đẳng cấp!
Thày dạy “hot” nhất
Dân tennis phong trào nhiều người dễ dãi chuyện chọn thày, có người thậm chí tự học, nhưng không thiếu những người kén thày như kén vợ. Nếu ai có điều kiện và được Hòa “Xuân” nhận làm học trò thì đó cũng có thể coi là một may mắn và đảm bảo rằng khi “xuống núi” là đã “có bằng”.
Kỷ niệm mất hết
Cho tới bây giờ thì tôi không còn lưu giữ được những đồ vật từ ngày trước. Những cây vợt gỗ, những đôi giày đã mất hết. Đó là lúc mà tôi cũng có phần chán nản vì tennis khi đó chẳng là gì cả và cái nghề này cũng không có chỗ đứng, không được người ta coi trọng.
Trackback from your site.